Hiệu quả Cải cách quân đội Nga năm 2008

Triển khai thực hiện học thuyết quân sự mới, quân đội Nga về cơ bản đã hoàn tất quá trình điều chỉnh tổ chức, thể chế.[26] Từ một lực lượng lạc hậu, yếu kém, quân đội Nga trỗi dậy và vươn ra toàn cầu nhờ chương trình cải cách quy mô lớn của Putin, kể từ khi Putin bắt đầu cuộc cải cách quân đội và tăng mạnh chi tiêu quốc phòng từ năm 2008, quân đội Nga đã lột xác hoàn toàn và sở hữu những sức mạnh mới giúp Moskva gia tăng ảnh hưởng và tiếng nói trong các vấn đề quốc tế. Putin đã hồi sinh quân đội Nga trở thành một lực lượng có sức mạnh và tầm ảnh hưởng thực sự trên thế giới, sau gần 1/4 thế kỷ chìm trong hỗn loạn và yếu kém.[7]. Hệ thống quân sự này đã mất khoảng 3 năm để có được một diện mạo mới khác biệt đáng kể về nhiều phương diện so với Hồng Quân, quân đội Xô-viết và quân đội Nga trước đây và là kết quả của quyết tâm chính trị được thể hiện bởi cả Điện Kremlin lẫn Bộ Quốc phòng Nga mà người đứng đầu khi đó là Anatoly Serdyukov.[14] Những sự đầu tư lớn vào nhân lực và huấn luyện chiến đấu đã đem lại hiệu quả với một quân đội mạnh mẽ hơn và các binh sỹ, sỹ quan chất lượng, Nga đã có được một số lượng lớn sỹ quan với kinh nghiệm thực chiến trong cuộc chiến Chechnya, các hoạt động chống khủng bố ở vùng Bắc Caucasus và nhiều cuộc xung đột cục bộ ở các nước hậu Xô Viết. Nhiều cuộc diễn tập đã được tổ chức ở mọi cấp độ, gồm cả các cuộc diễn tập chiến lược theo thường lệ, các phương pháp đào tạo và huấn luyện chiến đấu mới được đưa vào áp dụng, và nhiều binh sỹ có trình độ cao được tuyển mộ, các vũ khí và quân trang hạng nặng được chế tạo đã cải thiện đáng kể tình trạng vật tư và thiết bị của quân đội, chủ yếu là trong Không quân và các đơn vị tác chiến hàng không.[23]

Tới năm 2014, quân đội Nga đã trở thành lực lượng lớn mạnh hơn rất nhiều so với đội quân lạc hậu từng tham chiến ở Gruzia trước đó gần 6 năm.[9] Chiến dịch không kích chống IS ở Syria đánh dấu lần đầu tiên quân đội Nga có sự hiện diện quân sự công khai quy mô lớn ở Trung Đông kể từ khi Liên Xô tan rã. Quy mô chiến dịch này khó có thể so sánh với các hoạt động quân sự ở nước ngoài thời Liên Xô, nhưng nó giúp nước Nga dưới thời Tổng thống Putin một lần nữa có khả năng răn đe bất cứ cường quốc nào để bảo vệ lợi ích của bản thân và phô trương sức mạnh trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Trong lần tham chiến quy mô lớn này, quân đội Nga dựng lên lưới phòng không ở Syria, triển khai các cường kích, tiêm kích, oanh tạc cơ chiến lược ném bom, phóng tên lửa vào phiến quân IS, sử dụng tàu ngầm, tàu chiến khai hỏa tên lửa hành trình tầm xa vào mục tiêu từ Địa Trung Hải và Biển Caspian. Với các hành động này, quân đội Nga đã phá thế độc quyền của Mỹ trong việc sử dụng lực lượng quân sự trên phạm vi toàn cầu, vốn được duy trì kể từ khi Liên Xô tan rã.[7] Các quyết định được đưa ra trước đó về việc biên chế và tái trang bị kỹ thuật trong Lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã cho thấy tính hiệu quả của chúng tại chiến trường Syria kể từ mùa thu năm 2015. Nga đã nghiên cứu trong điều kiện thực tế cả những loại vũ khí mới nhất, cũng như thiết lập tương tác giữa các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn trên chiến trường, kinh nghiệm sử dụng các loại tổ hợp robot ở Syria, bao gồm cả robot tấn công cũng kquan trọng.[6]

Việc chọn đánh Ukraina vào thời điểm này không phải là một sự ngẫu nhiên vì Nga vừa hoàn tất các mục tiêu trong kế hoạch 15 năm hiện đại hóa quân đội vào cuối năm 2021.[15] Theo truyền thông phương Tây thì với những thất bại quân sự liên tiếp gần đây, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận ra rằng công cuộc cải cách quân đội mà ông tiến hành từ năm 2008 và từ sau chiến dịch quân sự ở Gruzia đã hoàn toàn không mang lại kết quả. Khi gây chiến với Ukraina, Nga lần lượt phơi bày những yếu kém, từ mặt hậu cần, tình báo thiếu hiệu quả, chỉ huy rời rạc, trang thiết bị cũ kỹ, cho đến thiếu phối hợp liên quân. Quân đội Nga không được chuẩn bị để gây chiến, tất cả những gì đang diễn ra hiện nay là không được dự trù tới, Nga nghĩ rằng sẽ có việc lật đổ chính phủ Ukraina với một cuộc diễu binh mừng chiến thắng tại Kiev mà không vấp phải sự phản kháng nào. Quân đội không hề được chuẩn bị cho chiến tranh mà chỉ được chuẩn bị cho những cuộc thao dượt quen thuộc, các cuộc diễu binh trên Quảng Trường Đỏ. Từ năm 2008, quân đội Nga không được thay đổi ngoại trừ hàng ngũ cấp cao. Các lực lượng hạt nhân và công nghệ được thay đổi, nhưng bản thân quân đội thì không nên quân đội Nga không có khả năng gây chiến tranh.[27] Đây cũng chính là điểm tạo nên sự khác biệt giữa quân đội Ukraina, năm 2014, quân đội Ukraina đã được cải cách, giờ đang cho kết quả trên phương diện năng lực phản ứng ở cả cấp thấp nhất, trong khi phía Nga hầu như phải đợi quyết định đến từ điện Kremlin.[27]

Cái chết của một tướng Nga ngay từ đầu cuộc xung đột đã từng bị quy cho việc trang thiết bị viễn thông cồng kềnh trong chiến xa, cho phép Ukraina xác định được sự hiện diện của vị tướng lĩnh này. Sự lơ là này của một bộ phận sĩ quan Nga lại càng thêm khó hiểu, khi mà quân đội Nga cũng đã từng mắc phải những sai lầm tương tự vào đầu cuộc chiến. Năng lực của Ukraina khai thác những thao tác yếu kém trên phương diện an ninh của các chiến dịch quân sự tại các đường chiến tuyến. Sự việc làm lộ rõ thêm một lỗ hổng khác trong quân đội Nga, mà trước cuộc chiến từng được mô tả như là một trong số các quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Xu hướng đăng ảnh của họ trên các mạng xã hội hay dùng các ứng dụng như Tinder cho phép định vị đã cung cấp nhiều thông tin quý giá về đà tiến quân của Nga. Đòn đánh ở Makiivka đã cho thấy rõ một sự khác biệt đến ngạc nhiên về công nghệ của Nga. Công nghệ quân sự Nga chỉ là một huyền thoại, ngay từ đầu cuộc xung đột, phía Nga đã sử dụng các loại điện thoại mã hóa, nhưng thường xuyên gặp trục trặc bởi vì đó là đời điện thoại cũ của từ những năm 1980, năm 1990. Và chính việc sử dụng điện thoại dân sự đã cho phép Ukraina xác định vị trí của nhóm lính Nga trong khu vực.[27]

Tổng thống Nga đã mong đợi điều tốt hơn từ quân đội, từ cơ cấu, bộ chỉ huy, từ những loại vũ khí ma thuật nổi tiếng mà ông Putin đã cho phô bày, như các loại vũ khí siêu thanh, xe tăng Armata đời mới nhất. Những thứ vũ khí được nhiều lần nhắc đến cuối cùng rồi không thể sản xuất hàng loạt. Thay vào đó là Nga đang nâng cấp những đời xe tăng cũ thời Xô Viết như các chiếc T-62 và T-72. Vì vậy, vẫn còn có nhiều vấn đề mà phần lớn liên quan đến tham nhũng. Người dân Nga giờ phát hiện ra rằng sức mạnh của quân đội Nga có những giới hạn. Những yếu kém của ban chỉ huy là cố hữu trong quân đội Nga. Quân đội Nga vốn dĩ đã có rất ít sĩ quan cấp dưới, vậy mà nhiều người trong số họ đã tử trận ngay trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến. Một trong số các ý định cải cách do vị bộ trưởng Quốc Phòng là muốn thành lập một hàng ngũ hạ sĩ quan. Việc bãi bỏ bộ phận này vào cuối thời kỳ Xô Viết đã dẫn đến tình trạng giữa lớp sĩ quan và các tân binh, không có người nào để ra lệnh cụ thể cho các đội quân trên địa bàn. Về tình trạng bạo lực, nạn ma cũ ăn hiếp ma mới trong quân đội Nga vẫn diễn ra còn là một trong số các thất bại trong công cuộc cải cách quân đội Nga dù có một sự thay đổi về nạn bạo lực và cách thức tổ chức các đội quân. Tình trạng bạo lực giữa các tân binh còn là một cách thức quản lý trật tự trong nội bộ các lực lượng, nguồn nhân lực, và kiểm soát các đội quân. Tình trạng này không những được dung thứ, mà còn được khuyến khích ở một hình thức nào đó.[27]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cải cách quân đội Nga năm 2008 https://hanoimoi.vn/nga-cai-to-luc-luong-quan-doi-... https://tuyengiao.vn/nga-voi-cuoc-cai-cach-quan-do... https://tienphong.vn/li-giai-quan-doi-nga-dang-lot... https://dantri.com.vn/the-gioi/quan-doi-nga-thu-ng... https://dantri.com.vn/the-gioi/quan-doi-nga-thu-ng... https://tuoitre.vn/linh-nga-o-crimea-khac-han-so-v... https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/quan-doi-nga-... https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/dieu-... https://vnexpress.net/su-lot-xac-cua-quan-doi-nga-... https://vnexpress.net/cuoc-chien-5-ngay-cua-nga-o-...